Đề bài: Phân tích hình ảnh người lính trong bài Đồng chí của Chính Hữu
Phân tích hình ảnh người lính trong bài Đồng chí
Bạn đang xem: Phân tích hình ảnh người lính trong bài Đồng chí
I. Dàn ý Phân tích hình ảnh người lính trong bài Đồng chí (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí”.
2. Thân bài:
a. Trình bày khái quát về tác giả và tác phẩm:
– Chính Hữu (1926 – 2007) là nhà thơ trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với phong cách sáng tác bình dị, nhiều cảm xúc và chủ yếu tập trung vào hình ảnh người lính trong sáng tác.
– Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào đầu năm 1948 nói về tình đồng chí, đồng đội thắm thiết của những người lính cách mạng và được in trong tập “Đầu súng trăng treo”.
b. Hình ảnh những người lính có cùng hoàn cảnh xuất thân, chung lí tưởng chiến đấu và cùng nhau trải qua mọi khó khăn, thiết thốn của cuộc sống:
– Những người lính đều có nguồn gốc xuất thân là nông dân “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”.
→ Đây đều là những vùng quê nghèo khó đã tạo nên sự đồng điệu trong trái tim người lính.
– Những người lính tuy không quen biết nhau nhưng có duyên gặp gỡ và gắn bó bởi họ có chung lí tưởng chiến đấu “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”.
– Hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt đã giúp những người lính trở thành “tri kỉ” của nhau.
c. Hình ảnh những người lính biết sẻ chia, thấu hiểu tâm tư tình cảm của đồng đội, họ cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính:
– Những người lính phải rời xa quê hương, rời xa “ruộng nương”, “gian nhà”, “giếng nước”, “gốc đa” để đi đánh giặc.
– Các anh hiểu rõ về nhau và còn hiểu rõ cả nỗi niềm người thân của nhau ở hậu phương “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.
– Những người lính còn chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của những đêm “sốt run người” vì hầu như người lính nào cũng đều phải trải qua ít nhất một lần.
– Họ cùng nhau chia sẻ những khó khăn về quân tư trang trong những ngày đầu kháng chiến nhưng vẫn lạc quan, yêu đời để “Miệng cười buốt giá”.
– Họ quên mình đi để truyền cho nhau hơi ấm “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.
→ Đây là hành động của sự đoàn kết, gắn bó keo sơn, tiếp thêm sức mạnh cho đồng chí, đồng đội để cùng chiến đấu vì đất nước.
d. Hình ảnh người lính sẵn sàng chiến đấu, chờ giặc tới:
– Trong khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên “rừng hoang sương muối” thì những người lính vẫn đứng cạnh nhau, im lặng cùng chờ giặc tới.
– Hình ảnh người lính cầm súng tưởng đối lập nhưng lại vô cùng hoà quyện với thiên nhiên bởi trăng tượng trưng cho cái đẹp, sự yên bình còn người lính cầm súng là để bảo vệ tổ quốc.
e. Đánh giá:
– Bài thơ đã đem đến một làn gió mới cho khuynh hướng sáng táng của thơ ca kháng chiến.
– Bài thơ đã xây dựng thành công hình ảnh người chiến sĩ cách mạng mộc mạc, giản dị với nhiều vẻ đẹp đáng trân trọng.
– Ngôn ngữ cô đọng, hình ảnh thơ gần gũi, giàu sức biểu thể hiện được sự hình thành và phát triển của tình đồng chí ngày càng nâng cao.
3. Kết bài:
– Khái quát lại hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí”.
II. Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh người lính trong bài Đồng chí (Chuẩn)
Có một nhà thơ đã từng tâm sự:
“Đất nước mình đây
Hai mươi năm
Mưa, nắng, đêm, ngày
Hành quân không mỏi
Sung sướng bao nhiêu: “Tôi là đồng chí
Của những người đi, vô tận, hôm nay”
Đó là ai nếu không phải nhà thơ Chính Hữu – một nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Giữa muôn vàn thăng trầm, biến cố của lịch sử, trên đôi tay Chính Hữu không chỉ vững vàng những cây súng đánh giặc mà còn bung nở cho đời những vần thơ diệu kì về người lính. Và “Đồng chí” là một trong những bài thơ như thế.
Tác giả Chính Hữu là một người lính cụ Hồ đúng nghĩa; Ông nguyên là đại tá, phó cục trưởng cụ tuyên huấn thuộc tổng cục chính trị- quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên phó tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam. Năm 1946, ông gia nhập trung đoàn thủ đô và hoạt động trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp. Phong cách thơ của chính hữu chịu ảnh hưởng rất lớn từ hai cuộc chiến; ông gây ấn tượng với phong cách sáng tác bình dị nhiều cảm xúc và chủ yếu tập trung vào hình ảnh người lính.
Bài thơ đồng chí được sáng tác vào mùa xuân năm 1948, thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực thực dân Pháp, sau khi nhà thơ cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (Thu-Đông năm 1947)- thời điểm đó đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Bài thơ đồng chí có thể được coi là biểu tượng, tác phẩm làm nên tên tuổi của Chính Hữu; tác phẩm còn được đánh giá là tiêu biểu cho thơ ca kháng chiến giai đoạn 1946-1954. Bài thơ nói về tình đồng chí, đồng đội thắm thiết của những người lính cách mạng, họ vào sinh ra tử với nhau, cùng nhau vượt qua những thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết; tình cảm đó khó có gì đong đếm được.
Quân xâm lược chiến đóng nước ta, các anh nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, rời xa quê hương, gia đình để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng đó
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!”
Những người lính đều có nguồn gốc giống nhau, từ nơi “nước mặn, đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”, tài sản quý giá nhất với họ là tình yêu cháy bỏng với quê hương đất nước. Đây đều là những vùng quê nghèo khó, cuộc sống của họ quanh năm gắn với ruộng đồng nhưng cũng chẳng đủ ăn. Chính vì sự tương đồng đó mà trái tim người lính có sự đồng điệu với nhau; họ cảm nhận sâu bên trong tâm hồn mỗi người và nhanh chóng trở nên gắn kết một cách lạ thường.
Có một thứ luôn soi sáng và dẫn đường cho những người lính là lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu cho nước nhà được độc lập; để rồi những người lính cụ Hồ luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấy kể cả lúc nghỉ ngơi ” Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Chính kim chỉ nam đó đã biến những con người xa lạ trở thành anh em một nhà, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn.
Cùng nhau vượt qua những thời khắc gian khổ chúng ta mới biết quý trọng những người cùng ta vượt qua thời gian đó. Hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt đã giúp những người lính trở thành tri kỉ” của nhau, họ sẻ chia cho nhau những mảnh chăn; hơi ấm để cùng nhau vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết giá lạnh.
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”
Những hình ảnh thật gần gũi, quen thuộc nhưng cũng có chút gì đó đơn sơ đã được nhà thơ tái hiện, đó là ” ruộng nương”, “gian nhà”, “giếng nước”, “gốc đa”. Những người lính rời xa nơi “chôn rau cắt rốn” để lên đường đánh giặc, họ rời đi thực sự không có một tài sản gì giá trị, những gian nhà không vững chắc, lung lay theo thời tiết. Họ lên đường với một cháy tim cháy bỏng, nhiệt huyết của tuổi trẻ, sẵn sàng hi sinh để đánh đổi với sự bình yên của tổ quốc.
Họ hiểu rõ về nhau và còn hiểu rõ cả nỗi niềm người thân của nhau ở hậu phương “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”. Họ biết rằng trọng trách của mình rất lớn, trên vai là trách nhiệm với tổ quốc, phía sau họ là sự trông ngóng của gia đình mong họ trở về. Những người lính hiểu rằng, những người phụ nữ đang đợi họ ở nhà không cần những chàng trai trở về với những chiến công hiển hách mà chỉ mong họ bình yên vô sự khi quay về.
Họ chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ, cả những gian lao vất vả, thiếu thốn nơi rừng sâu, cả những đêm “sốt run người”, nơi rừng sâu lạnh lẽo đó, nơi mà muỗi, vắt còn nhiều hơn cây cối thì thứ duy nhất họ có thể dựa vào đó chính là hơi ấm của nhau. Mỗi người lính đều phải trải qua những đêm mệt nhoài đó ít nhất một lần trong đời, người khỏi đùm bọc người ốm và cùng nhau vượt qua nghịch cảnh đó.
“Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”, cuộc sống ngày thường của họ vốn đã khó khăn, có những thời điểm còn không đủ ăn thì làm sao có thể chuẩn bị đầy đủ quân tư trang để lên đường, họ giống nhau một cách lạ thường, cùng nhau thiếu rách về quân tư trang trong những ngày kháng chiến nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến nhuệ khí của họ. Những người lính vẫn lạc quan, yêu đời và một nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi. Vào thời tiết giá lạnh đó, quần cũng không thể có chiếc quần lành lặn, không có nổi đôi giày. Họ quên mình đi để truyền nhau hơi ấm “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Đây là hành động của sự đoàn kết, gắn bó keo sơn, tiếp thêm động lực cho đồng chí, đồng đội để cùng chiến đấu vì đất nước.
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ hiện ra, thiên nhiên với con người như tô điểm cho nhau, những người lính không hề run sợ mà ngược lại sẵn sàng tự tin, kề vai sát cánh bên nhau chờ giặc tới. Có một sự trống vắng không hề nhỏ ở đâu, “rừng hoang sương muối”, giường như sự xuất hiện của những người lính là sự sống duy nhất ở đây. Người lính trong tư thế nghiêm trang, hàng trang của họ là những cây súng. Hình ảnh người lính cầm súng tưởng đối lập nhưng lại hòa quyện với thiên nhiên bởi trăng tượng trưng cho sự thanh mát, yên bình còn những người lính cầm súng ra trận cũng chỉ vì một mục tiêu duy nhất là sự bình yên của đất nước.
Bài thơ đem đến một làn gió mới cho khuynh hướng sáng tác của thơ ca kháng chiến, không còn là một bức tranh hình tượng hóa người lính, Chính Hữu đi vào những chi tiết rất đời thường của họ, cùng chính là những gì mình đã trải qua như một lời tâm sự cho người đọc. Tác phẩm đã xây dựng thành công hình ảnh người người chiến sĩ cách mạng mộc mạc, giản dị với nhiều vẻ đẹp đáng trân trọng, là tình yêu mãnh liệt sẵn sàng hi sinh vì tổ quốc, cùng là đó là tình cảm bình dị dành cho gia đình và hậu phương quê nhà.
Mang trong mình trái tim thuần khiết, giản đơn ngoài gia nội dung bài thơ chủ yếu về người lính nên Chính Hữu sử dụng ngôn ngữ cô đọng, hình ảnh thơ gần gũi, giàu sức biểu đạt thể hiện được sự hình thành và phát triển của tình đồng chí ngày càng được nâng cao. Cũng chính vì vậy mà người đọc có cảm giác thân thuộc, đôi khi thấy hình ảnh của chính mình trong đó.
Người ta thường hay nói: “Văn chương nghệ thuật cần đến những con người biết nhìn hiện thực bằng trái tim”. Quả đúng vậy, Chính Hữu đã đem hiện thực vào trang viết của mình một cách tự nhiên, để chất người lính cứ thể hòa vào hồn thơ, chất trữ tình hòa vào cách mạng, chất thép hòa vào thi ca. Nhưng đồng thời cũng đặt vào đó một viên ngọc sáng thuần khiết- đó là hình tượng người lính của những năm đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Để rồi khi thời gian qua đi, tác phẩm vẫn là một bài ca mãi không quên trong lòng bạn đọc.
——————-HẾT———————-
Trên đây là bài Phân tích hình ảnh người lính trong bài “Đồng chí”. Hy vọng qua bài viết này, các em sẽ thấu hiểu hơn về những vẻ đẹp đáng trân quý của người lính cũng như những khó khăn họ từng trải qua để bồi đắp thêm cho mình lòng yêu nước. Ngoài ra để hiểu rõ hơn về hình ảnh người lính cách mạng thì các em có thể tham khảo thêm những bài viết sau: Bình giảng bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, Phân tích khổ cuối bài Đồng chí, Cảm nhận về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, Phân tích bài thơ Đồng chí và nói lên cảm nghĩ của em.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp