Phân tích truyện Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu

0
76
Rate this post

Đề bài: Phân tích truyện Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu

phan tich truyen manh trang cuoi rung cua nguyen minh chau

Phân tích truyện Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu
 

Bạn đang xem: Phân tích truyện Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu

I. Dàn ý Phân tích truyện Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng.

2. Thân bài:

a. Tình huống truyện và ý nghĩa:

* Tình huống truyện:
– Câu chuyện mở ra bằng cảnh tượng những người lính lái xe trên chuyến đường Trường Sơn trong một buổi đêm nghỉ ngơi đã thay nhau kể về câu chuyện của cuộc đời mình: Lãm đã kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của mình và Nguyệt.

* Ý nghĩa:
– Tình huống truyện bất ngờ đã làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và cũng càng khiến cho nhân vật Lãm được hiểu rõ hơn về người con gái này.
– Cô Nguyệt được tự do bộc lộ tính cách, suy nghĩ cùng với tấm lòng thủy chung của mình với người yêu chưa biết mặt mà không phải ngại ngùng.
– Cảm nhận được sâu sắc cái lý thú của truyện, khi Nguyễn Minh Châu đặt Lãm vào hoàn cảnh ngờ ngợ, phấp phỏng về cô gái tên Nguyệt. Thế nhưng trong suốt chuyến Lãm vẫn không hề mở miệng nói ra nghi ngờ của mình.
=> Sự tinh tế trong thể hiện tâm lí nhân vật của Nguyễn Minh Châu.
– Sự “mơ hồ” mà mãi đến cuối truyện, Lãm và Nguyệt vẫn chưa thực sự có một cuộc gặp mặt chính thức đã khiến câu chuyện thêm phần hấp dẫn, thú vị, độc giả từ đó có cơ hội để thỏa sức tưởng tượng về những gì xảy ra tiếp theo.

b. Nhân vật Nguyệt:

* Vẻ đẹp ngoại hình, tính cách:
– Vẻ đẹp tinh tế, trong ngần với “một đôi gót chân hồng hồng sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ, gấu quần lụa đen chấm mắt cá”
– “một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi tỏa ra từ nét mặt, giọng nói và tấm thân mảnh dẻ”,”mặc áo xanh chít hông vừa khít, mái tóc dài tết thành hai dải. Chiếc làn và chiếc nón mới trắng lóa khoác ở cánh tay trông thật nhẹ nhàng”.
=> Cái vẻ đẹp duyên dáng, yêu kiều của cô gái đã dấy lên trong lòng Lãm những ấn tượng ban đầu tốt đẹp, một cái nhìn thiện cảm hơn hẳn.

– Lối nói, lối ứng xử của Nguyệt cũng thể hiện cô là một cô gái thông minh và duyên dáng. Từ việc cô hỏi Lãm về đèn “quả dưa” hay “quả táo”, đến việc cô thành thực kể về những cô Nguyệt trong đội làm đường khi Lãm hỏi, rồi cái nét bối rối, ngượng ngùng khi cô giải thích về mấy chỗ đường lồi lõm họ đi qua do đội cô chịu trách nhiệm san lấp, tu bổ
.=> Nguyệt có một tâm hồn như trăng, trong sáng, dịu dàng, dễ thương và dễ khiến người khác cảm thấy gần gũi vô cùng.

– Dáng vẻ e lệ, ngập ngừng khi ngồi cạnh một người đàn ông xa lạ, cô vẫn giữ cho mình những sự ý tứ rất duyên, Nguyệt lên ngồi ghế lái phụ “cô cố ý ngồi sát mép cửa, chiếc làn ôm gọn trong lòng, để lại giữa Lãm và cô một khoảng trống lớn”, ánh mắt rụt rè, tò mò kín đáo ngắm xung quanh cái “căn nhà” của anh Lãm.

* Vẻ đẹp trong quá trình phối hợp giúp đỡ đồng đội khi chiến đấu:
– Tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, sự nhiệt huyết trong, hăng hái trong nhiệm vụ.
+ Nguyệt đã bộc lộ được sự tự tin và tấm lòng nhiệt thành của mình khi luôn động viên “Anh cứ yên tâm, đoạn đường này em quen lắm”.
+ Chỉ đường cho Lãm đi đúng hướng, ở những chỗ bánh xe sục sâu quá Nguyệt kiêm luôn vai trò lơ xe nhanh chóng nhảy xuống làm “xi nhan” cho Lãm kéo xe lên.
+ Nhiệt tình muốn theo xe qua sông, giúp anh vượt qua chỗ sông có nhiều nguy hiểm “anh đã cho em đi nhờ xe, lúc khó khăn lại bỏ anh ư”.

– Lột xác, từ một cô gái nhẹ nhàng, duyên dáng bỗng trở thành một nữ chiến sĩ nhanh nhẹn, thông minh và quyết đoán.
+ Tinh ý phát hiện ra tiếng máy bay trinh sát, đồng thời nhắc nhở cho Lãm về việc tắt đèn xe kẻo bóng sáng sẽ loang ra xa khắp mặt sông.
+ “vội nhảy ùm xuống sông” một cách kiên quyết và dứt khoát, chấp nhận ướt, bẩn để dẫn lối cho xe của Lãm, nhanh nhẹn lội qua bên kia sông để giúp Lãm cột dây tời xe.
+ Không nghĩ gì đến bản thân, sự dũng cảm, kiên cường, tinh thần bất khuất, vì đất nước đã cho cô một sức mạnh phi thường để đẩy cái người đàn ông cao lớn ấy vào một góc nào đó “rất cứng và sâu”, để bảo vệ anh khỏi những trận đánh tọa độ hung hiểm của địch, cứng rắn đinh ninh “Anh bị thương thì xe cũng mất, anh cứ nấp ở đó!”.
+ Nhanh nhẹn và biết phối hợp, khi thấy Lãm chạy ra bảo vệ xe, cô cũng lao ra nhanh chóng nhảy lên hàng ghế phụ, rồi ra sức chỉ đường cho Lãm trong đêm tối, Nguyệt cứ nói “rành rọt như người đếm ở bên tai: “Anh ngoặt sang trái… Trước mặt anh có hố bom đấy… Chuẩn bị sắp lên một cái dốc có “cua”…”. Có quãng nào khó đi và tối Nguyệt lại nhảy xuống đi dò đường trước để cho Lãm bám theo sau.
+ Bị thương nhưng vẫn hồn nhiên lạc quan”anh cứ yên tâm, vết thương chỉ xước ngoài da thôi. Từ giờ tới sáng em có thể lên đến tận trời được” để an ủi sự thương xót, áy náy trong lòng Lãm.

c. Vẻ đẹp trong tình yêu:
– Dành cho người con trai chưa biết mặt thứ tình cảm thủy chung hàng mấy năm ròng không đổi.
– Đó là một điểm sáng nổi bật nhất của nhân vật, thể hiện niềm tin, niềm yêu mạnh mẽ của cô gái, cũng như những hy vọng về một tương lai tốt đẹp, rằng một mai có thể gặp được Lãm, người yêu chưa từng thấy mặt, để cùng xây dựng những mộng ước hạnh phúc tuyệt vời. Mà xa hơn ấy chính là niềm tin vào kháng chiến một mai nhất định thành công, Bắc Nam sum họp một nhà, cô nhân công làm đường và anh lính lái xe trở thành đôi.
=> Tình yêu thủy chung mà Nguyễn Minh Châu xây dựng cho Nguyệt, có vẻ hơi kỳ lạ giữa đời sống ngày nay, và khó có thể xảy ra. Thế nhưng trong thời chiến, tình yêu dần trở nên thiêng liêng và khác biệt, cùng với sức trẻ, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ, những con người trẻ tuổi còn cần thêm tình yêu để làm động lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ, đó là một niềm hy vọng dẫu mỏng manh, nhưng rất đẹp, rất trân quý.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.

II. Bài văn mẫu Phân tích truyện Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu

Nguyễn Minh Châu trên văn đàn Việt Nam hiện đại đã tỏa sáng như một ngọn cờ đầu đi tiên phong trong nền văn học nước ta thời kỳ đổi mới. Những tác phẩm của ông thường được nhận ra bằng giọng văn dịu dàng, trữ tình, phản ánh hiện thực một cách mềm mại và ở những cái đẹp của thiên nhiên, của con người, nhà văn vẫn có một bút pháp lý tưởng hóa rất độc đáo, rất thi vị trữ tình. Thế nhưng nhà văn không phải tập trung vào khai thác những vẻ đẹp hoàn mỹ đó mà sau cùng từ những vẻ đẹp ấy Nguyễn Minh Châu mới đi vào khai phá, mổ xẻ dẫn dắt người đọc đến với những triết lý, tư tưởng năm sâu trong từng tác phẩm của mình. Có thể nói rằng giai đoạn sáng tác hoàng kim của Nguyễn Minh Châu và những sáng tác nổi bật của ông chủ yếu nằm vào những thập niên 80, tức là là khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thành công, đất nước đang đi vào thời kỳ chuyển mình, kiến thiết lại, những vấn đề về đời sống cá nhân, đạo đức xã hội bắt đầu trở thành đề tài sáng tác được quan tâm hơn cả. Mà có thể kể đến các sáng tác xuất sắc nhất của Nguyễn Minh Châu về đề tài này như Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa hay Khách ở quê ra,… Thế nhưng với vai trò là một nhà văn đồng thời là một người lính chiến, tác giả cũng để lại một số tác phẩm về đề tài chiến tranh khá sâu sắc, trong đó Mảnh trăng cuối rừng có thể xem là truyện ngắn ấn tượng nhất của Nguyễn Minh Châu về đề tài “chiến tranh cách mạng – lực lượng vũ trang”.

Nhắc về cuộc kháng chiến chống Mỹ có lẽ không thể nào không nhắc đến tuyến đường Trường Sơn những người lính lái xe, những cô gái thanh niên xung phong quanh năm phá bom, lấp đường, cho những chuyến xe nối dài Bắc Nam, chở tình cảm, viện trợ của hậu phương đến với tiền tuyến xa xôi. Tuyến đường Trường Sơn cũng như những con người gắn bó với nó dần dà đã trở thành một trong những hình tượng được nhiều tác giả khai thác và tạo nên những tác phẩm bất hủ trong nền văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Có thể kể đến Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật, Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Và bản thân Nguyễn Minh Châu cũng góp phần với Mảnh trăng cuối rừng, câu chuyện kể về một tình yêu mỏng manh, nhưng rất mực kỳ diệu giữa những con người xa lạ chưa một lần gặp mặt, nhưng lại tồn tại bền vững giữa chiến trường bom đạn suốt mấy năm trời, bằng tấm lòng thủy chung và niềm tin của một cô gái trẻ, xinh đẹp và có cái tên cũng rất đẹp – Nguyệt.

Câu chuyện mở ra bằng cảnh tượng những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong một buổi đêm nghỉ ngơi đã thay nhau kể về câu chuyện của cuộc đời mình, lúc ấy một chàng trai từ trong góc tối đã lặng lẽ kể về mối tình của mình, những ký ức khó quên về một cô gái tên Nguyệt và thứ tình yêu mà cô đã âm thầm ôm ấp cho Lãm suốt mấy năm trời, từ khi còn nhỏ dại, đến khi đã trưởng thành xinh đẹp. Tuyến đường Trường Sơn thuở ấy không chỉ nối liền hai miền Nam Bắc mà còn trở thành ông tơ bà nguyệt cho vô số những anh lính lái xe và những nữ thanh niên xung phong, những cô công nhân giao thông. Họ gặp gỡ, tìm hiểu nhau bằng những giây phút gặp mặt hiếm hoi, ít ỏi, bên cạnh những quả bom chưa nổ, những hố bom chưa lấp và những chiếc xe bị tàn phá vì bom đạn. Những con người trẻ tuổi, kiên cường trải qua biết bao khó khăn, cái chết thường trực chờ, thế nhưng họ vẫn dành rất nhiều niềm tin, tình yêu vào cuộc sống, vẫn có những ước vọng tương lai tốt đẹp. Những đối với Lãm và Nguyệt tình yêu của họ thậm chí còn mong manh hơn thế, Lãm là một chàng trai khá, có nhiều kinh nghiệm lái xe, đã qua lại tuyến đường khắc nghiệt này không biết bao nhiêu lần. Còn Nguyệt lại là một cô gái trẻ, xinh đẹp, hiền lành, thế nên chị Tính chị gái của Lãm đã có ý nhắm cô cho em trai của mình, một mối duyên tơ đã bắt đầu từ đó. Khó có thể tin được rằng Nguyệt lại yêu một chàng trai chỉ thông qua lời kể của chị Tính, và ôm ấp tình yêu ấy một cách chung thủy hàng mấy năm trời, một lòng hướng về Lãm, giữa chiến trường khốc liệt tình yêu ấy cũng chưa từng đứt đoạn chỉ cần Nguyệt còn sống. Còn với bản thân Lãm, anh không yêu Nguyệt khi mới chỉ nghe chị gái giới thiệu, và với cuộc đời nay đây mai đó của mình Lãm nhiều khi cũng không dám hy vọng gì nhiều, sau mấy lần gặp mặt “hụt”, lại qua mấy năm anh dường như đã quên mất người con gái tên Nguyệt ấy. Bước ngoặt thực sự cho tình yêu của họ bắt nguồn từ một sự “vượt quyền” của anh phó lái dưới quyền Lãm. Anh chàng hoạt bát, trai lơ này lúc đánh xe về cho Lãm, đã cho một cô gái đi nhờ. Lãm không thích điều này, thế nhưng cũng chẳng nỡ đuổi cô gái ấy xuống, đành cho cô đi nhờ một đoạn. Điều Lãm không thể ngờ tới ấy là việc cô gái đi nhờ lại chính là người đã đính ước với anh. Tình huống truyện bất ngờ đã làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và cũng càng khiến cho nhân vật Lãm được hiểu rõ hơn về người con gái này, không phải vì cô là hôn thê của mình mà thông qua tư cách của những người xa lạ tình cờ gặp nhau. Cô Nguyệt cũng vì thế mà được tự do bộc lộ tính cách, suy nghĩ cùng với tấm lòng thủy chung của mình với người yêu chưa biết mặt mà không phải ngại ngùng, chỉ vì Lãm là người mình hằng mong nhớ. Thêm một điều nữa, ta cũng cảm nhận được sâu sắc cái lý thú của truyện, khi Nguyễn Minh Châu đặt Lãm vào hoàn cảnh ngờ ngợ, phấp phỏng về cô gái tên Nguyệt, liệu có phải là cô gái đã đính ước với mình không. Thế nhưng trong suốt chuyến đi từ lúc nói chuyện bâng quơ, cho đến lúc gặp khó khăn nguy hiểm, Lãm vẫn không hề mở miệng nói ra nghi ngờ của mình, thú thực đó là một cái tinh tế trong thể hiện tâm lí nhân vật của Nguyễn Minh Châu. Lãm một phần là không dám, thứ hai là không chắc chắn, thứ ba nữa là cũng chưa muốn để cô biết về mình trong cái hoàn cảnh gặp mặt không chính thức như này. Đó thật sự là tâm lý của một con người bình thường, đặc biệt là khi Lãm đã có tình cảm với Nguyệt, anh lại càng muốn đi đường vòng để xác nhận, để đảm bảo an toàn hơn cho mối quan hệ của anh và cô sau này. Thêm nữa sự “mơ hồ” mà mãi đến cuối truyện, Lãm và Nguyệt vẫn chưa thực sự có một cuộc gặp mặt chính thức đã khiến câu chuyện thêm phần hấp dẫn, thú vị, độc giả từ đó có cơ hội để thỏa sức tưởng tượng về những gì xảy ra tiếp theo, phản ứng của Nguyệt, rồi tình yêu của họ trong chiến tranh sẽ đi về đâu? Đều hoàn toàn là những điều khiến người ta không khỏi trăn trở suy nghĩ, nhưng có lẽ người ta thường hướng tới một kết thúc tốt đẹp.

Bên cạnh tình huống truyện lý thú người ta cũng chú ý đến nhân vật Nguyệt, nhân vật được Nguyễn Minh Châu tập trung khai thác nhiều nhất. Những ấn tượng về cô gái này chủ yếu thông qua ánh nhìn của người lái xe, đồng thời cũng hiện lên rõ ràng thông qua hành trình đi đường, trong những lần các nhân vật vượt qua khó khăn. Đọc nhiều tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, ta thấy rằng ông rất chú ý trong cách miêu tả ngoại hình nhân vật, đặc biệt là đối với người phụ nữ, như thể hiện một niềm trân trọng đối với họ. Nguyệt cũng như nhiều nhân vật khác trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đều được ông “tắm rửa sạch sẽ”. Cô gái trẻ hiện lên trong ấn tượng của Lãm là vẻ đẹp tinh tế, trong ngần với “một đôi gót chân hồng hồng sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ, gấu quần lụa đen chấm mắt cá”. Sau đó khi chính thức chạm mặt Nguyệt, Lãm đã không khỏi bất ngờ với “một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi tỏa ra từ nét mặt, giọng nói và tấm thân mảnh dẻ”, lại “mặc áo xanh chít hông vừa khít, mái tóc dài tết thành hai dải. Chiếc làn và chiếc nón mới trắng lóa khoác ở cánh tay trông thật nhẹ nhàng”. Cái vẻ đẹp duyên dáng, yêu kiều của cô gái đã dấy lên trong lòng Lãm những ấn tượng ban đầu tốt đẹp, một cái nhìn thiện cảm hơn hẳn, khác với ấn tượng ban đầu về cảnh tượng anh thấy “một bên là cái vẻ nũng nịu của một cô nàng ôm chiếc nón trắng đứng sát cửa xe, một bên là những câu hỏi ỡm ờ của “anh tài phụ”… đang ngồi vắt vẻo trong buồng lái…”. Hay “cái cách con gái ăn nói đối đáp bạo dạn nhường ấy”, khiến Lãm không khỏi “phát hoảng lên” dù rằng anh vẫn nhận ra “tiếng nói trong lắm và rất bình tĩnh, cứng cỏi nữa là khác”. Lãm bắt đầu có những chuyển biến tích cực trong nội tâm, dáng vẻ ngoài mong đợi khác hẳn với những cô công nhân giao thông “thường cô nào cũng thấp và đẫy đà”, đã mang đến cho anh nhiều sự tò mò, thế nên anh đã mời cô lên ghế phó lái, việc mà trước đây anh chưa làm bao giờ. Không chỉ vẻ đẹp về ngoại hình như sương, như hoa mà cả lối nói, lối ứng xử của Nguyệt cũng thể hiện cô là một cô gái thông minh và duyên dáng. Từ việc cô hỏi Lãm về đèn “quả dưa” hay “quả táo”, đến việc cô thành thực kể về những cô Nguyệt trong đội làm đường khi Lãm hỏi, rồi cái nét bối rối, ngượng ngùng khi cô giải thích về mấy chỗ đường lồi lõm họ đi qua do đội cô chịu trách nhiệm san lấp, tu bổ. Tất cả đều cho thấy ngoài một vẻ đẹp ngoại hình hiếm có giữa Trường Sơn, Nguyệt còn có một tâm hồn như trăng, trong sáng, dịu dàng, dễ thương và dễ khiến người khác cảm thấy gần gũi vô cùng. Và đối với Lãm, một chàng trai dù đã quen bom đạn, “già đời” trong nghề lái xe, mà trái tim vẫn lỡ làng vài nhịp, để đến mức phải ngại ngùng trước cô gái trẻ khi nhận nhầm cả trăng thành pháo sáng của địch. Nhưng Nguyệt không chỉ hiện lên với tính cách thoải mái, tự nhiên, mà nàng cũng còn cả dáng vẻ e lệ, ngập ngừng khi ngồi cạnh một người đàn ông xa lạ, cô vẫn giữ cho mình những sự ý tứ rất duyên, Nguyệt lên ngồi ghế lái phụ “cô cố ý ngồi sát mép cửa, chiếc làn ôm gọn trong lòng, để lại giữa Lãm và cô một khoảng trống lớn”, ánh mắt rụt rè, tò mò kín đáo ngắm xung quanh cái “căn nhà” của anh Lãm. Nguyệt quả thực khiến người ta yêu quá, thảo nào chị Tính cứ mãi nhắm cô cho cậu em trai, sợ cô bị anh lính nào đó cướp mất.

Dĩ nhiên rằng nếu Nguyệt chỉ đẹp và có tính tình vui vẻ, duyên dáng, trong sáng thì cô cũng không làm nên một nhân vật đặc sắc. Hơn hết, những cô gái trên chiến trường, thì vẻ đẹp của họ cũng luôn gắn liền với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, sự nhiệt huyết trong, hăng hái trong nhiệm vụ. Dẫu rằng Lãm với Nguyệt không phải là đồng đội, cũng chưa từng phối hợp với nhau bao giờ, thế nhưng từ một cuộc gặp mặt tình cờ, họ đã trở thành những con người phối hợp ăn ý với nhau. Nguyệt đã bộc lộ được sự tự tin và tấm lòng nhiệt thành của mình khi luôn động viên anh lính lái xe về khả năng nhớ đường, quen thuộc địa hình của mình bằng chất giọng rất khảng khái”Anh cứ yên tâm, đoạn đường này em quen lắm”. Không chỉ nói cô còn bộc lộ khả năng của mình bằng hành động, vừa chỉ đường cho Lãm đi đúng hướng, ở những chỗ bánh xe sục sâu quá Nguyệt kiêm luôn vai trò lơ xe nhanh chóng nhảy xuống làm “xi nhan” cho Lãm kéo xe lên. Đặc biệt, vốn dĩ cô gái chỉ muốn đi nhờ đến trước sông, thế nhưng bằng tấm lòng biết ơn và cảm tình với người lính lái xe cô đã nhiệt tình muốn theo xe qua sông, giúp anh vượt qua chỗ sông có nhiều nguy hiểm “anh đã cho em đi nhờ xe, lúc khó khăn lại bỏ anh ư”. Một câu nói thể hiện sự nghĩa khí, vẻ chân chất, tấm lòng đẹp như trăng của Nguyệt.

Từ đây ta bắt đầu thấy Nguyệt lột xác, từ một cô gái nhẹ nhàng, duyên dáng bỗng trở thành một nữ chiến sĩ nhanh nhẹn, thông minh và quyết đoán. Bằng những kinh nghiệm lâu năm khi làm việc ở ngầm Đá Xanh cạnh con sông này, Nguyệt nhanh chóng tinh ý phát hiện ra tiếng máy bay trinh sát, đồng thời nhắc nhở cho Lãm về việc tắt đèn xe kẻo bóng sáng sẽ loang ra xa khắp mặt sông, tránh địch phát giác. Thế rồi với ấn tượng về một cô gái tỉ mỉ, sạch sẽ, biết chăm chút cho bản thân, cả người toát lên hơi thở trong ngần, lại càng thêm sâu sắc khi cô gái ấy bỗng “vội nhảy ùm xuống sông” một cách kiên quyết và dứt khoát, chấp nhận ướt, bẩn để dẫn lối cho xe của Lãm, nhanh nhẹn lội qua bên kia sông để giúp Lãm cột dây tời xe. Lúc này đây người ta mới phát hiện ra rằng Nguyệt không chỉ là một cô gái đẹp, duyên dáng, một cô công nhân làm đường, mà còn kiêm cả vai trò chiến sĩ, một chiến sĩ giữa tuyến đường Trường Sơn khắc nghiệt, đang vận dụng hết những sự thông minh, nhạy bén để phối hợp với đồng đội bảo vệ chiếc xe chở đầy quân nhu. Và như thế Nguyệt lại càng đẹp và càng sáng hơn, nước sông hay sự ướt át dường như lại càng rửa sáng thêm cái vẻ đẹp ẩn giấu trong tâm hồn của cô gái trẻ. Trong lúc nguy hiểm cận kề, Nguyệt lại càng không nghĩ gì đến bản thân, sự dũng cảm, kiên cường, tinh thần bất khuất, vì đất nước đã cho cô một sức mạnh phi thường để đẩy cái người đàn ông cao lớn ấy vào một góc nào đó “rất cứng và sâu”, để bảo vệ anh khỏi những trận đánh tọa độ hung hiểm của địch, còn bản thân cô đứng chơi vơi bên ngoài mặc kệ sống chết. Nguyệt kiên quyết bảo vệ anh lính lái xe mới quen cùng chiếc xe chở đầy đồ quân sự với trái tim anh dũng, cứng rắn đinh ninh “Anh bị thương thì xe cũng mất, anh cứ nấp ở đó!”. Đối mặt với nguy hiểm, mới thấy dù là đàn bà hay đàn ông người ta cũng có sự mạnh mẽ và liều lĩnh y như nhau, khi cần phải bảo vệ một điều gì đó quan trọng, mà ở đây không chỉ là chuyến hàng mà còn là đất nước, còn là kháng chiến đang trong những ngày khó khăn gian khổ. Không chỉ vậy Nguyệt còn là một đồng đội, nhanh nhẹn và biết phối hợp, khi thấy Lãm chạy ra bảo vệ xe, cô cũng lao ra nhanh chóng nhảy lên hàng ghế phụ, rồi ra sức chỉ đường cho Lãm trong đêm tối, đem hết những kinh nghiệm sở tại về con đường này trong cô để cùng chiến đấu. Nguyệt cứ nói “rành rọt như người đếm ở bên tai: “Anh ngoặt sang trái… Trước mặt anh có hố bom đấy… Chuẩn bị sắp lên một cái dốc có “cua”…”. Có quãng nào khó đi và tối Nguyệt lại nhảy xuống đi dò đường trước để cho Lãm bám theo sau. Sau khi an toàn vượt qua được sự hung hiểm, Lãm mới nhận ra Nguyệt bị thương, máu chảy ướt cả một bên vai, thế nhưng Nguyệt đã cố nén chịu đau, người con gái mảnh dẻ, như hoa như sương ấy, không hề nhăn nhó, than thở mà theo anh một đường liên tục, lại càng chứng minh cho sự kiên cường, ý chí mạnh mẽ trong trái tim của Nguyệt. Điều đó càng làm Lãm cảm động và thêm cảm tình cô hơn, đặc biệt là đối với sự lạc quan, hồn nhiên khi cô nói “anh cứ yên tâm, vết thương chỉ xước ngoài da thôi. Từ giờ tới sáng em có thể lên đến tận trời được” để an ủi sự thương xót, áy náy trong lòng Lãm.

Cuối cùng, chắc phải nói về tình yêu trong lòng Nguyệt, thực không dễ dàng gì mà một cô gái lại dành cho người con trai chưa biết mặt thứ tình cảm thủy chung hàng mấy năm ròng không đổi như thế. Đó là một điểm sáng nổi bật nhất của nhân vật, đồng thời cũng chính là “hòn ngọc” mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm đến tất cả độc giả đọc truyện. Nhà văn muốn khẳng định điều gì thông qua nhân vật này, thì đó chỉ có thể là niềm tin, niềm yêu mạnh mẽ của cô gái, cũng như những hy vọng về một tương lai tốt đẹp, rằng một mai có thể gặp được Lãm, người yêu chưa từng thấy mặt, để cùng xây dựng những mộng ước hạnh phúc tuyệt vời. Mà xa hơn ấy chính là niềm tin vào kháng chiến một mai nhất định thành công, Bắc Nam sum họp một nhà, cô nhân công làm đường và anh lính lái xe trở thành đôi. Thú thực rằng thứ tình yêu thủy chung mà Nguyễn Minh Châu xây dựng cho Nguyệt, có vẻ hơi kỳ lạ giữa đời sống ngày nay, và khó có thể xảy ra. Thế nhưng trong thời chiến, khi gặp gỡ ít, xa cách nhiều, đặc biệt là sự khốc liệt của chiến tranh, tình yêu dần trở nên thiêng liêng và khác biệt, cùng với sức trẻ, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ, những con người trẻ tuổi còn cần thêm tình yêu để làm động lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ, đó là một niềm hy vọng dẫu mỏng manh, nhưng rất đẹp, rất trân quý. Nguyệt cũng vậy, Lãm từng thắc mắc “Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa bom đạn và cảnh tàn phá những cái quý giá do chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao? Trong tâm hồn người con gái bé nhỏ, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng không hề đứt không thể tàn phá nổi ư?”. Những gian khó trong chiến tranh, chỉ càng làm cho mối dây tình cảm của Nguyệt thêm sâu sắc, càng chứng minh cho cái sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, một tâm hồn giàu đẹp đã trở thành miền đất màu mỡ gieo hạt giống tình yêu với Lãm. Cũng chính tình cảm đặc biệt của Nguyệt dành cho mình mà Lãm đã có những trăn trở, bâng khuâng, đồng thời càng thêm tin tưởng vào tương lai, vững lòng hơn trong chiến đấu. Lãm chiến đấu hôm nay không chỉ vì đất nước, dân tộc, mà cũng còn vì cả tấm lòng của Nguyệt dành cho mình trong suốt những năm tháng qua, trở thành động lực, niềm tin vào một tương lai tươi đẹp của đất nước.

Mảnh trăng cuối rừng là một truyện ngắn với cấu tứ đơn giản, là những dòng ký ức của một anh lính lái xe về người con gái được đính ước, nhưng chưa từng gặp mặt. Cuộc gặp mặt tình cờ và đầy tự nhiên đã trở thành cơ hội khiến anh yêu và hiểu hơn về cô gái có cái tên rất đẹp – Nguyệt. Truyện ngắn cũng truyền tải một nội dung tư tưởng sâu sắc của Nguyễn Minh Châu về con người giữa chiến tranh rằng ở họ luôn có một “viên ngọc” tinh thần sáng chói, ẩn giữa làn bụi bom đạn, nhưng chưa bao giờ mất đi vẻ sáng đẹp, mà vẫn luôn được bảo vệ vững chắc trong tâm hồn. Ấy là niềm tin, niềm hy vọng, sức sống tiềm tàng mãnh liệt, vẻ đẹp của những tình yêu thủy chung, son sắt luôn kiên cường trước thực tại khắc nghiệt, khiến người ta không khỏi trân trọng và yêu quý.

Mảnh trăng cuối rừng là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu viết trước thời kì đổi mới văn học. Tìm hiểu về vẻ đẹp của những người chiến sĩ trong kháng chiến chống Mĩ, đồng thời thấy được tình yêu trong sáng mà cũng đầy lãng mạn của Nguyệt và Lãm, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích nhân vật Nguyệt trong truyện Mảnh trăng cuối rừng hay  Ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng mảnh trăng trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-truyen-manh-trang-cuoi-rung-cua-nguyen-minh-chau/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp