Tìm hiểu về từ và cấu tạo của từ trong tiếng Việt – lớp 6

0
112
Rate this post

Tìm hiểu về từ và cấu tạo của từ trong tiếng Việt – lớp 6

Trong hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt thì từ là đơn vị ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng, không có từ thì chúng ta không thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ nói và viết được. Vậy từ của tiếng Việt có đặc điểm gì, có bao nhiêu loại từ, bài  học hôm nay sẽ giúp các em nắm cụ thể hơn về nội dung bài học Từ và cấu tạo của từ trong tiếng Việt trong chương trình văn học lớp 6.

Từ và cấu tạo của từ


1. Từ là gì?

Từ là một đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất dùng để đặt câu. Trong Tiếng Việt, từ đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ nói và viết. Không có từ thì quá trình này không thể diễn ra.


2. Từ đơn và từ phức:


* Từ đơn:

Từ đơn là những từ chỉ có một tiếng trong cấu tạo của nó ví dụ như: sách, bút, điện, trăng, cặp, nhà….


* Từ phức:

Là những từ do hai hay nhiều tiếng ghép lại thành một và ý nghĩa chung với nhau ví dụ như: sông núi, sách vở, xe đạp, bạn học… Từ phức được chia thành hai loại bao gồm từ ghép và từ láy. Cụ thể như sau:


+ Từ ghép

Đây là những từ được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ về nghĩa lại với nhau. Từ ghép có hai loại:

Từ ghép có nghĩa tổng hợp:  Là loại từ ghép mà nghĩa của nó chính là nghĩa của các từ đơn tạo thành theo quan hệ song song (tức là hợp nghĩa), nghĩa của loại từ ghép này khái quát hơn nghĩa của từng tiếng. Ví dụ như: Núi sông/ sông núi, thay đổi/ đổi thay, mạnh khoẻ/ khoẻ mạnh, vui sướng/ sướng vui; ông cha / cha ông; đau khổ/ khổ đau, quần áo/ áo quần, nhà cửa / cửa nhà,…

Từ ghép có nghĩa phân loại: Là loại từ ghép có sự phân biệt về nghĩa so với những từ ghép khác cùng loại (tức là nó có chung một tiếng nào đó), nghĩa cụ thể hơn. Ví dụ như: hạt thóc, bà nội, thợ mộc…


+ Từ láy

Từ láy là những từ được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ láy âm lại với nhau. Ví dụ như: Đẹp đẽ (tiếng gốc là “đẹp”, tiếng láy là “đẽ ”); lướng vướng (tiếng gốc là “vướng”, tiếng láy là “lướng”.)

Phân biệt các kiểu từ láy: Trong tiếng Việt có bốn kiểu từ láy như sau:

Láy tiếng: là kiểu từ láy mà trong đó các tiếng láy hoàn toàn giống nhau. Ví dụ như: Xanh xanh, ngời ngời, gâu gâu..

Láy âm: Là kiểu từ láy mà trong đó bộ phận phụ âm đầu của các tiếng láy giống nhau. Ví dụ như: khó khăn, hăm hở, rì rào…

Láy vần: Là kiểu từ láy mà trong đó bộ phận vần của các tiếng láy giống nhau. Ví dụ như: lom khom, bồn chồn, lim dim…

Láy cả âm và vần: Là kiểu từ láy mà trong đó bộ phận phụ âm đầu và bộ phận vần được láy lại, trong đó nó chỉ khác nhau về âm điệu. Ví dụ như: khít khịt, dửng dưng, rười rượi…

Từ và cấu tạo của từ

Phân biệt các dạng từ láy: Từ láy có 3 dạng khác nhau như sau:

– Láy đôi: Là dạng từ láy có hai tiếng. Ví dụ như: dào dạt, lơ mơ…

– Láy ba: Là dạng từ láy có 3 tiếng. Ví dụ như: sạch sành sanh, dửng dừng dưng…

– Láy tư: Là dạng từ láy có 4 tiếng: Ví dụ như: hớt hơ hớt hải, lúng ta lúng túng…

+ Láy từng đôi một. Ví dụ như: quần quần áo áo, cười cười nói nói…

Nghĩa của từ láy: Nghĩa của từ láy trong tiếng Việt rất phong phú, nhưng nó có hai dạng cơ bản sau đây:

+ Dạng từ láy có nghĩa mạnh hơn so với nghĩa của tiếng gốc ví dụ như: xanh xao> xanh;  đoàng đoàng > đoàng; lạnh lẽo> lạnh…. thẳm => thăm thẳm.

+ Dạng từ láy có nghĩa giảm nhẹ so với nghĩa của tiếng gốc ví dụ như: xinh => xinh xinh < xinh; đo đỏ < đỏ…; đẹp => đèm đẹp…

+ Dạng từ láy có nghĩa phong phú, tinh tế hơn… so với nghĩa của tiếng gốc

Như vậy, chúng ta thấy từ bao gồm có hai loại chính là từ đơn và từ phức. Từ đơn là loại từ có một tiếng còn từ phức có hai tiếng trở lên, từ phức có thể chia thành từ ghép và từ láy trong đó từ ghép là từ có các tiếng quan hệ với nhau về nghĩa, từ láy các tiếng có quan hệ với nhau bằng cách láy âm. Muốn biết từ đơn/ từ phức, từ ghép/ từ láy ta căn cứ vào số lượng tiếng và quan hệ nghĩa giữa các tiếng trong từ.

Với những nội dung kiến thức cơ bản trên đây về từ và cấu tạo của từ trong tiếng Việt, hy vọng sẽ giúp các em học sinh nắm vững kiến thức cơ bản nhất của nội dung bài học này, đồng thời củng cố kiến thức chuẩn bị cho những bài học sau. Chúc các em học tốt!

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/tim-hieu-ve-tu-va-cau-tao-cua-tu-trong-tieng-viet-lop-6/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp