Tôn giáo nào không được khởi nguồn từ Ấn Độ?

0
169
Rate this post

Tôn giáo nào không được khởi nguồn từ Ấn Độ?

A. Hồi giáo.

B. Phật giáo.

C. Hin-đu giáo.

D. Bà La Môn giáo.

Lời giải: Đáp án đúng là: A. Hồi giáo

Sự ra đời và phát triển của Hồi giáo

Đạo Islam khi truyền bá vào Việt Nam được gọi là đạo Hồi hay Hồi giáo. Trong những sách sử Trung Hoa xưa, đạo Islam được gọi là Hồi giáo hoặc Hồi Hột giáo, vì khi nó được truyền vào Trung Hoa thông qua một bộ lạc thuộc dân tộc Hồi Hột, nên người Trung Hoa gọi Islam là đạo Hồi hoặc Hồi Hột giáo. Sự ra đời của Hồi giáo bởi những tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng ở bán đảo Ảrập vào đầu thế kỷ VII.

Hồi giáo ra đời ở bán đảo Ảrập vào đầu thế kỷ VII sau Công nguyên. Sự ra đời của tôn giáo này xuất phát bởi một loạt nguyên nhân về kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng; nó gắn liền với những biến chuyển xã hội, từ chế độ công xã nguyên thuỷ sang chế độ xã hội có giai cấp. Lịch sử thống nhất nhà nước Ảrập thành một nhà nước phong kiến độc quyền, đồng thời trên cơ sở thống nhất giữa các tín ngưỡng, tôn giáo trên bán đảo Ảrập.

Sự ra đời của Hồi giáo gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Mohammad – người mạc khải, khai sáng tín ngưỡng Hồi giáo. Mohammad được tín đồ Hồi giáo thế giới tôn vinh là “tinh thần”, “duy nhất”, “toàn năng”, “độ lượng”, “siêu việt” và “vĩnh cửu”… là thiên sứ và Giáo chủ.

Sau khi Hồi giáo ra đời, vào khoảng thời gian từ năm 622 đến năm 630, cùng với việc xây dựng lực lượng, tôn giáo này phải trải qua thời kỳ đấu tranh quyết liệt, kết hợp những cuộc “thánh chiến” với những hoạt động chính trị và ngoại giao, Mohammad và những người Hồi giáo đã chinh phục được thành Mecca và truyền bá Hồi giáo đến vùng này. Mohammad cùng những người anh em Hồi giáo xây dựng Mecca thành “Thánh địa ” – trung tâm Hồi giáo thế giới cho tới ngày nay. Sau khi chinh phục thành Mecca, Hồi giáo đã trở thành một đế quốc bành trướng thế lực, tiếp tục mở rộng “thánh chiến” tấn công để mở rộng thế giới Hồi giáo. Mục tiêu trước hết là tiêu diệt người Do Thái ở Arabia, tàn sát và bắt những người có thái độ chống đối làm nô lệ cho người Hồi giáo chiến thắng. Từ năm 636, Hồi giáo bắt đầu những cuộc viễn chinh tấn công, mở đầu cho một thời kỳ truyền bá Hồi giáo sang các quốc gia khác. Cho đến thế kỷ XI, Hồi giáo trở thành một tôn giáo quốc tế, thống soái các quốc gia dân tộc từ Địa Trung Hải đến Vịnh Ba Tư. Vào khoảng ba thế kỷ sau (từ thế kỷ XIV đến XVI), Hồi giáo truyền bá xuống vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, Hồi giáo là tôn giáo có tín đồ đông nhất thế giới (trên 1,3 tỷ tín đồ), có mặt ở hơn 100 quốc gia trên tất cả các châu lục. Quốc gia có đông người Hồi giáo nhất hiện nay không phải là nước ở khu vực Trung Đông như nhiều người vẫn tưởng, mà là Indonesia nước ở khu vực Đông Nam Á với trên 180 triệu tín đồ chiếm 87% dân số của đất nước này.

Mặc dù Hồi giáo Islam là một tôn giáo lớn trên thế giới, nhưng lại không có hệ thống tổ chức giáo hội quốc tế và không có hệ thống phẩm trật chức sắc (người giữ vai trò trung gian thay quyền Thượng đế Allah) mà chỉ có các giáo sĩ đảm nhận những chức trách như: Khalifat, Mufti, Naep, Hakim, Ahly, Imâm, Tuôn…

Từ khi Mohammad qua đời, nội bộ Hồi giáo xảy ra nhiều cuộc tranh chấp quyền lực. Vì vậy, sau này Hồi giáo phải chia thành các dòng, các hệ phái khác nhau. Cho đến nay, Hồi giáo vẫn không có người thừa kế ngôi vị Khalifat (Giáo chủ). Đây là nguyên nhân chính, là hệ quả của việc Hồi giáo không có tổ chức giáo hội quốc tế. Từ thập niên 70 của thế kỷ XX trở lại đây, với sự gia tăng không ngừng số lượng tín đồ Hồi giáo trên thế giới làm cho dạng thức thuần nhất của Hồi giáo thời Mohammad không thể duy trì được mà đã có sự biến dạng thành những cộng đồng (Jamah) ngăn cách bởi chế độ xã hội của mỗi quốc gia. Theo đó, Hồi giáo cũng phát triển mối tương giao với những tín ngưỡng, tôn giáo khác. Chính vì vậy, các quốc gia có đông người Hồi giáo có khuynh hướng thành lập tổ chức Hồi giáo gắn với lãnh thổ của từng nước, kết hợp hoạt động tôn giáo với chăm lo đời sống mọi mặt cho cộng đồng. Mặt khác, một số tổ chức Hồi giáo quốc tế cũng ra đời, tuy nhiên các tổ chức này mang hình thức “liên hiệp” lỏng lẻo, không phải là tổ chức giáo hội quốc tế.

Hồi giáo
Hồi giáo

Sự du nhập Hồi giáo vào Việt Nam

Hồi giáo truyền vào khu vực Đông Nam Á khá sớm, khoảng thế kỷ XI, XII. Nếu so với các khu vực Hồi giáo khác trên thế giới, thì việc truyền bá Hồi giáo vào Đông Nam Á chủ yếu bằng con đường “hoà bình” qua những thương nhân Ảrập, Ấn Độ, Ba Tư. Những thế kỷ đầu sau khi ra đời, Hồi giáo phát triển nhanh như vũ bão bằng chiến tranh với công thức “thanh gươm – vó ngựa – kinh Qur’an”. Tuy nhiên, khi chinh phục được Ấn Độ, đoàn quân Hồi giáo đã mệt mỏi, lại đứng trước biển cả mênh mông đã cản bước tiến quân các chiến binh Hồi giáo đến khu vực Đông Nam Á nên Hồi giáo đành phải truyền bá đến đây qua các thương nhân và các giáo sỹ. Chính sự du nhập và phát triển bằng con đường “hoà bình”, lại từ nguồn Hồi giáo Ấn Độ đã dung hoà với văn hoá Ấn Độ nên Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á thường bị pha trộn với tín ngưỡng, phong tục tập quán địa phương. Điều này khác hẳn với những nơi Hồi giáo bành trướng bằng những cuộc chiến tranh chinh phục. Hồi giáo khu vực Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng chủ nghĩa Hồi giáo như một số khu vực khác.

Hồi giáo du nhập vào Việt Nam qua các thời điểm khác nhau. Theo Tống sử Trung Quốc thì thế kỷ X đã thấy người Chăm khi giết trâu để cúng, họ đều cầu nguyện câu kinh đề cao Thượng đế Allah của người Hồi giáo, điều này có thể giả định từ thế kỷ thứ X, Hồi giáo đã được truyền vào đất Chiêm Thành.

Vậy có thể nói: Từ thế kỷ X, tín ngưỡng Hồi giáo đã manh nha ở Vương quốc Chămpa thông qua các thương nhân từ Trung Cận Đông đem vào, gây ảnh hưởng nhất định trong đời sống tâm linh người Chămpa. Nhưng Hồi giáo không phát triển, có lẽ vì lòng sùng tín thần thánh Bàlamôn giáo, tập tục, lễ nghi cùng chế độ mẫu hệ đã bén rễ ăn sâu, trở thành truyền thống trong xã hội Chămpa, trải qua hơn nghìn năm không dễ gì thay đổi. Vì vậy, ở Vương quốc Chămpa cổ vào khoảng trước năm 1470 Hồi giáo chưa phải là tôn giáo chính thống của người Chăm.

Sau năm 1470, một bộ phận cư dân Chămpa lưu tán đã tiếp xúc với người Malaysia, Indonesia, Campuchia… và họ bắt đầu tìm hiểu Hồi giáo ở các nước đó, nhiều người Chăm bỏ tôn giáo truyền thống (đạo Bàlamôn) để theo Hồi giáo. Những người Chăm khi tiếp thu được tôn giáo mới, họ quay về nước để truyền lại cho đồng bào mình. Từ đó Hồi giáo có chỗ đứng đáng kể trong cộng đồng cư dân Chămpa và chính thời điểm này sự giao hoà giữa đạo Islam và đạo Bàlamôn đã sản sinh ra một tôn giáo mới của người Chăm, đó là đạo Bàni tại miền Nam Trung bộ.

Vào năm 1840, dưới triều Nguyễn, quan bảo hộ Chân Lạp là Trương Minh Giảng bị quân của An Dương – Campuchia đánh bại phải rút chạy về vùng thượng nguồn sông Tiền (Châu Đốc – An Giang ngày nay) mang theo quân lính và người Chàm, người Mã lai theo Hồi giáo, lúc đó nhà Nguyễn dựa vào lực lượng này lập các đội quân để giữ biên giới. Từ đó hình thành vùng thứ hai theo Hồi giáo chính thống của người Chăm – đạo Islam.

Những năm cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, vùng Sài Gòn – Gia Định mở rộng giao lưu buôn bán với một số quốc gia phương tây, từ đó trở thành trung tâm buôn bán của Nam bộ. Các thương nhân đã thu nhận người Malaysia, Indonesia, Ấn Độ theo Hồi giáo. Tuy nhiên, cho mãi đến cuối thế kỷ XIX khi Nam bộ bị Pháp chiếm đóng, quá trình giao thương với bên ngoài ngày càng phát triển, là môi trường và điều kiện để cho người Malaysia và Indonesia nhập cư vào đất này đông hơn. Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ năm 1880 – 1890, ở Gia Định cũng xuất hiện một bộ phận người Ấn Độ, Pakistan có tín ngưỡng Hồi giáo là những thương nhân làm nghề buôn bán tơ lụa, đồ gia vị cho những tiệm buôn, quán ăn. Đó là nguồn gốc hình thành cộng đồng cư dân ngoại lai theo Hồi giáo ở TP. Hồ Chí Minh cho tới ngày nay.

Những đặc điểm chủ yếu

Ở nước ta, cộng đồng cư dân Chăm theo Hồi giáo mang tính đặc thù rõ nét, được chia thành 2 dòng khác nhau. Người ta thường gọi là Chăm Islam và Chăm Bàni với những đặc điểm chủ yếu sau đây:

Truyền thống gắn bó và đồng hành cùng dân tộc

Việt Nam chủ yếu chỉ có người Chăm theo Hồi giáo. Vì vậy, Hồi giáo gắn bó với dân tộc Chăm, mà cư dân Chăm là một dân tộc có nền văn hoá đa dạng và phong phú; có truyền thống yêu nước, gắn kết với dân tộc và cách mạng, đã có nhiều đóng góp trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Là một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào Chăm Hồi giáo luôn phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống đoàn kết, yêu nước gắn bó với cộng đồng các dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc.

Hơn nữa, từ khi có Đảng đồng bào Chăm Hồi giáo luôn đi theo và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; làm tốt nghĩa vụ công dân, ủng hộ sự nghiệp đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo, góp phần viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tính chính thống của Hồi giáo có thay đổi

Bởi tác động của bản sắc văn hoá dân tộc vùng Đông Nam Á, trong đó nền tín ngưỡng, tôn giáo bản địa cổ Bàlamôn chiếm địa vị chủ yếu. Sự tác động này được gọi là quá trình “Chăm hoá”.

Như khi nghiên cứu, để chinh phục thế giới Ảrập và bành trướng thế lực, Hồi giáo chủ trương mở rộng “đất thánh” bằng các cuộc thánh chiến, với khẩu hiệu “Thanh gươm, vó ngựa, kinh Qur’an”. Nhưng khi Hồi giáo truyền bá xuống phía Đông bị cản trở bởi đại dương nên không thể tiến hành thánh chiến mà các giáo sĩ truyền đạo thông qua thương thuyền theo con đường mậu dịch để truyền bá và phát triển Hồi giáo ở vùng này. Chúng ta có thể khẳng định khi Hồi giáo truyền bá xuống phía Đông đã chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi bản sắc văn hoá truyền thống lâu đời của vùng Á Đông và tín ngưỡng cổ Bàlamôn với chế độ mẫu hệ, làm cho tính cách Hồi giáo phải biến đổi phù hợp với nền văn hóa bản địa.

Tính quốc tế của Hồi giáo

Hồi giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất thế giới, đang trong xu thế của quá trình “Hồi giáo hoá thế giới”. Hơn nữa, thế giới đang đứng trước nguy cơ xung đột sắc tộc và tôn giáo trong mối quan hệ “toàn cầu hoá”. Đảng ta chủ trương mở rộng quan hệ quốc tế theo phương châm “Việt Nam là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Các tôn giáo ở Việt Nam, nhất là Chăm Hồi giáo đã, đang và sẽ tiếp tục chịu sự tác động nhiều mặt của Hồi giáo thế giới. Theo đó, một số sinh hoạt tôn giáo truyền thống của Hồi giáo vốn mang tính quốc tế nay được mở rộng. Nó vừa là nhu cầu, vừa là đặc điểm phổ biến đang phát triển.

Cùng với xu thế hội nhập quốc tế của Nhà nước, Hồi giáo Việt Nam cũng mở rộng và phát triển giao lưu với các cá nhân, tổ chức Hồi giáo ngoài nước. Mối quan hệ đó không chỉ vì mục đích tôn giáo mà còn có những mục đích chính trị – xã hội. Nhằm thúc đẩy hoạt động Hồi giáo nước ta hội nhập vào cộng đồng Hồi giáo thế giới.

Thực trạng về tình hình Hồi giáo

Hiện nay, theo số liệu thống kê của các địa phương có Hồi giáo, số lượng tín đồ Hồi giáo khoảng hơn 72.000 người (bao gồm cả Chăm Bàni và Chăm Islam), cư trú trên địa bàn 13/63 tỉnh, thành phố cả nước. Hồi giáo ở nước ta hình thành hai dòng:

– Một là: Cộng đồng Hồi giáo tuân thủ tương đối giáo lý Hồi giáo nguyên thuỷ gọi là Chăm Islam, sống tập trung ở 12 tỉnh, thành phố: An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Kiên Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước và Thủ đô Hà Nội.

– Hai là: Cộng đồng theo Hồi giáo đã bị “Chăm hoá” gọi là Chăm Bàni, sống tập trung ở ba tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Phước.

Qua khảo sát về tình hình Hồi giáo ở Việt Nam, có thể rút ra một số vấn đề sau:

– Hồi giáo ở Việt Nam không nhiều và chủ yếu là trong cư dân Chăm. Tỷ lệ tín đồ tăng chậm trong thời gian qua, ngoài một bộ phận bỏ tín ngưỡng Bàni theo Islam ở Phước Nam (Ninh Thuận) vào những năm 60 của thế kỷ XX, số tín đồ theo Hồi giáo qua con đường “truyền đạo” không đáng kể và chủ yếu là tăng tự nhiên.

– Dân cư hình thành theo các nhóm cộng đồng Jam’ah có tính quần cư là chủ yếu, một bộ phận không lớn cộng cư với người Kinh và các dân tộc anh em. Tuy nhiên, tính cộng đồng – nét truyền thống tổ chức – xã hội của cư dân Chăm vẫn là lối sống đặc trưng của cư dân Chăm Hồi giáo.

– Hồi giáo nước ta có sự khác biệt giữa các vùng, trong đó Chăm Islam có mối quan hệ thường xuyên với Hồi giáo thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Mối quan hệ đó, ngoài yếu tố tôn giáo còn có quan hệ thân tộc.

Hồi giáo là gì (đạo hồi là gì?)
Hồi giáo là gì (đạo hồi là gì?)

Nhu cầu về niềm tin tôn giáo

Đồng bào Chăm Islam và Chăm Bàni có niềm tin tôn giáo sâu sắc vào Thượng đế Allah và Thiên kinh Qur’an, là nhu cầu đời sống tinh thần không thể thiếu, nó gắn chặt với yếu tố tôn giáo. Nó hoàn toàn khác với nhu cầu về vật chất trong đời sống xã hội. Nhưng niềm tin đó lại có sự khác nhau trong quá trình thực thi giáo luật Hồi giáo giữa hai dòng: Chăm Islam thực thi giáo luật Hồi giáo hầu như trọn vẹn mang tính chính thống, yếu tố tôn giáo sâu sắc hơn; Chăm Bàni thực hiện giáo luật mang tính tượng trưng, không thực hiện hết 5 điều sống đạo, chỉ thực hiện trong tháng Ramadan mà họ quen gọi là tháng “vào chùa’’ của các vị chức sắc. Mặt khác, Chăm Bàni chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo Bàlamôn và tín ngưỡng bản địa với chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng đa thần, có yếu tố dân tộc mang tính vượt trội.

Về thực trạng kinh tế – xã hội

Đánh giá một cách tổng quát, tình hình kinh tế – xã hội của đồng bào Chăm Hồi giáo nước ta hiện nay được cải thiện. Đời sống kinh tế của đồng bào Hồi giáo được nâng cao nhờ cơ sở hạ tầng phát triển, đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phù hợp với đặc điểm của từng vùng. Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, nhất là khi Đảng ta thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước. Cho nên, mức sống của đồng bào Chăm cũng được nâng lên theo tỷ lệ chung ở từng vùng, từng địa phương, số hộ đạt mức sống khá và giàu tăng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một số cộng đồng Hồi giáo nhỏ lẻ thiếu đất sản xuất. Do đó, tình hình tái nghèo và thất học trong các cộng đồng này đang là một vấn đề cần được quan tâm.

Những năm gần đây, đời sống văn hoá – xã hội trong các cộng đồng Hồi giáo cũng phát triển và tăng lên rõ rệt. Theo đó, trình độ học vấn trong đồng bào Hồi giáo cũng từng bước nâng lên, nhất là khi Nhà nước áp dụng chính sách miễn học phí cho học sinh là con em đồng bào Chăm. Một bộ phận người Chăm Hồi giáo có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học.

Về cơ sở thờ tự

Theo kết quả khảo sát, số lượng cơ sở thờ tự của Hồi giáo đến năm 2009 là 79 cơ sở. Trong đó, Chăm Islam có 40 thánh đường, 22 tiểu thánh đường; Chăm Bàni có 17 thánh đường (chùa). So với trước ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, số lượng cơ sở thờ tự của Hồi giáo tăng, nhiều cơ sở được trùng tu, sửa chữa khang trang.

Về tổ chức Hồi giáo

Đối với Chăm Islam, trước năm 1975, ở miền Nam, Hồi giáo có hai tổ chức chính thức là: “Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam” và “Hội đồng giáo cả Islam Việt Nam”. Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam hoạt động dưới sự điều hành của Ban Quản trị Hiệp hội Trung Ương và Đại hội đồng cơ sở. Nhằm mục đích: không hoạt động chính trị mà duy trì những tinh hoa đạo đức trong sinh hoạt tôn giáo; thực thi các tập tục truyền thống và đời sống đạo đã được kinh Qur’an giáo huấn. Tuy nhiên, cả hai tổ chức này nhất là Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam bị chính quyền Mỹ, Ngụy lợi dụng, sử dụng làm công cụ chống cách mạng. Do đó, nó cùng tồn tại đến ngày 30/4/1975 thì tự giải tán theo sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn.

Mặt khác, trong cộng đồng Chăm Bàni ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, trước năm 1975 đều có tổ chức “Hội đồng giáo cả” tuy chưa được pháp luật thừa nhận nhưng trên thực tế vẫn hoạt động và tồn tại cho đến nay.

Từ sau giải phóng miền Nam đến trước khi có chủ trương của Đảng về công tác đối với Hồi giáo, ở Việt Nam mới có một tổ chức là Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo TP. Hồ Chí Minh được thành lập tháng 7/1992. Từ năm 2003 (thực hiện chủ trương của Đảng về công tác Hồi giáo), Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có Hồi giáo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo về mặt tổ chức cho bà con tín đồ. Đến nay, đối với Chăm Islam, có thêm hai tổ chức Hồi giáo cấp tỉnh ở tỉnh An Giang và Tây Ninh; đối với Chăm Bàni, có Hội đồng sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận. Trong thời gian qua, việc thành lập tổ chức của các cộng đồng Hồi giáo giúp cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương đối với Hồi giáo tốt hơn, kịp thời đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con tín đồ.

Thông qua các tổ chức này, cấp uỷ, chính quyền, UBMTTQVN và đoàn thể các cấp có nhiều thuận lợi trong việc tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho bà con tín đồ Hồi giáo. Nhằm giúp họ hiểu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của tín đồ Hồi giáo, củng cố niềm tin, ý thức tự nguyện ủng hộ và tham gia thực hiện chính sách phát triển kinh tế – xã hội, cũng như chủ trương, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

********************

 

 Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/ton-giao-nao-khong-duoc-khoi-nguon-tu-an-do/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp