Viết bài văn trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày (6 Mẫu)

0
154
Rate this post

Viết bài văn trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày lớp 7 bao gồm dàn ý chi tiết cùng 6 bài văn mẫu hay nhất được thầy cô biên soạn sẽ là tài liệu giúp các em hoàn thành tốt phần bài tập làm văn trong chủ đề trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại. Mời các em theo dõi bài học.

Đề bài: Viết bài văn trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày

Viết bài văn trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày
Viết bài văn trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày

Xem thêm: Viết bài văn trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại

Nghề thủ công truyền thống là gì?

Nghề thủ công truyền thống là nghề sản xuất hoàn toàn hay một phần bằng chân tay những vật dụng trang trí, tiêu dùng, đòi hỏi các kỹ năng tay chân và kỹ năng nghệ thuật, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thường áp dụng trong sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ. Nghề thủ công thường được chia thành các lĩnh vực: văn hóa tinh thần; sản xuất, chế biến hàng tiêu dùng; chế biến lương thực thực phẩm…

Các nghề thủ công truyền thống: Ở Việt Nam có nhiều nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu là một số nghề như: nghề gốm, nghề đậu, nghề đồ mỹ nghệ, nghề chạm, nghề mây tre đan, sơn mài, khảm trai, thêu ren,..

Dàn ý trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống

1. Mở đầu:

– Giới thiệu vấn đề cần trình bày: việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

– Nêu lí do trình bày vấn đề.

2. Nội dung chính:

– Những thông tin đáng quan tâm:

  • Sản phẩm thủ công truyền thống là những hàng hóa được sản xuất bởi người dân trong các làng nghề truyền thống.
  • Một số sản phẩm thủ công truyền thống mà ta thường bắt gặp: bình gốm, bát sứ, rổ tre, giỏ mây, tranh Đông Hồ, đồ gỗ mĩ nghệ,…

– Ý kiến của em về vấn đề được bàn:

Sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống giúp

  • Đem lại nguồn lợi kinh tế cho các làng nghề.
  • Góp phần bảo tồn những phong tục, tập quán truyền thống của đất nước.
  • Sử dụng sản phẩm làm từ mây, tre để thay thế cho nhựa -> giúp bảo vệ môi trường.

– Mong muốn của em và những giải pháp đề xuất:

  • Mong muốn: Các sản phẩm thủ công truyền thống sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa trong đời sống con người.
  • Giải pháp: các địa phương cần có kế hoạch, chương trình phát triển làng nghề truyền thống.

– Trao đổi thêm với các bạn khác.

3. Kết thúc:

Khái quát nội dung đã trình bày.

Viết bài văn trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày – Mẫu 1

Xin chào cô và các bạn. Em tên là Minh Tâm. Hôm nay, em sẽ trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề “sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày”.

Các bạn thân mến, trong bài thơ “Việt Nam quê hương ta”, nhà thơ Nguyễn Đình Thi có viết “Đất trăm nghề của trăm vùng/ Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem”. Hai câu thơ đã cho thấy sự phong phú, đa dạng về làng nghề truyền thống ở đất nước ta. Mỗi làng nghề lại sản xuất những mặt hàng, sản phẩm mang đặc trưng riêng.

Ngày nay, dù cuộc sống đã trở nên hiện đại và kéo theo nhiều thay đổi nhưng nhiều người vẫn tin tưởng sử dụng sản phẩm thủ công. Một số vật dụng vẫn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt thường ngày như: bát sứ, tranh lụa, bình gốm,… Phải chăng, sự đổi thay dễ thấy nhất đến từ mô hình sản xuất? Thay vì làm thủ công 100%, nhiều làng nghề đã và đang áp dụng máy móc cùng những kĩ thuật tiên tiến để sản xuất nhằm đáp ứng thị trường và tiết kiệm chi phí.

Có thể nói, việc sử dụng sản phẩm thủ công mang đến rất nhiều lợi ích. Trước hết, nó đem lại lợi nhuận vô cùng lớn cho các làng nghề truyền thống. Một vài mặt hàng được sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài như: mây tre đan, gốm sứ, hàng thủ công thêu tay,… cũng góp phần thu về rất nhiều ngoại tệ. Tiếp đến, nếu làng nghề thủ công phát triển bền vững thì người lao động vẫn được đảm bảo công ăn, việc làm. Ngoài ra, việc sử dụng sản phẩm thủ công còn giúp lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của cha ông.

Hi vọng rằng, các sản phẩm thủ công truyền thống sẽ được đông đảo người dân yêu thích và sử dụng. Người tiêu dùng cũng nên có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về những sản phẩm này. Bên cạnh đó, các địa phương cần lên kế hoạch hợp lí nhằm thúc đẩy, phát triển làng nghề.

Bài trình bày của em đến đây là hết. Cảm ơn cô và các bạn đã theo dõi, lắng nghe.

Viết bài văn trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày – Mẫu 2

Xin chào cô và các bạn. Em tên là Đông My. Hôm nay, em xin trình bày suy nghĩ của mình về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Nói về sản phẩm thủ công truyền thống, mọi người sẽ nghĩ tới thứ gì đầu tiên? Mình thì nhớ ngay tới gốm sứ, mây tre đan, vải dệt, tranh dân gian,… Những sản phẩm này đa phần được tạo nên bằng chính đôi bàn tay của người thợ. Theo thời gian, một số sản phẩm truyền thống sẽ được cải tiến để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng không làm mất đi cái gốc vốn có.

Các bạn thân mến, sản phẩm thủ công đã được lưu truyền, giữ gìn từ đời này qua đời khác. Bởi vậy, việc sử dụng các sản phẩm này còn góp phần lưu giữ những phong tục, tập quán truyền thống của đất nước.

Dẫu biết máy móc, kĩ thuật hiện đại đang chiếm ưu thế to lớn nhưng hi vọng rằng, các làng nghề truyền thống vẫn tồn tại, phát triển. Mong rằng, nhà nước, địa phương sẽ có thêm các chính sách, chương trình phát triển để khôi phục, phát huy các giá trị truyền thống ở một số làng nghề.

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe, theo dõi. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, nhận xét từ mọi người để bài trình bày thêm hoàn thiện.

Viết bài văn trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày – Mẫu 3

Trong buổi học hôm nay, em xin trình bày ý kiến của bản thân về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Mời cô và các bạn theo dõi, lắng nghe.

Chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên với sự phát triển rực rỡ của máy móc, công nghệ, thiết bị hiện đại. Các đồ dùng sinh hoạt được sản xuất trên quy mô lớn, giá thành rẻ, đa dạng mẫu mã và hình thức. Những điều này là một phần nguyên nhân dẫn đến thay đổi thói quen của con người trong việc sử dụng sản phẩm hiện đại thay vì thủ công truyền thống.

Ngày nay, chúng ta ít khi bắt gặp nồi gang đúc hay rổ rá tre,… Chúng ta đang thay thế chúng bằng các sản phẩm ưu việt, nhiều tính năng hơn. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn tới các làng nghề truyền thống. Khi nhu cầu của người tiêu dùng giảm thì việc cung ứng cũng bị trì trệ, chậm chạp. Không chỉ vậy, việc lãng quên sản phẩm thủ công truyền thống còn đồng nghĩa với việc vẻ đẹp văn hóa dân tộc dần mai một theo thời gian.

Như vậy, việc sử dụng các sản phẩm này cũng chính là cách để chúng ta giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế ở làng nghề. Ngoài ra, các sản phẩm làm từ tự nhiên như mây, tre cũng giúp bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu rác thải từ nhựa, ni-lông.

Để các sản phẩm thủ công truyền thống trở nên phổ biến, chúng ta có thể quảng bá, giới thiệu tới mọi người. Đồng thời, nếu có cơ hội, ta nên ghé thăm một số làng nghề để tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Hi vọng rằng, các địa phương sẽ đẩy mạnh và phát triển mô hình du lịch làng nghề nhằm thu hút du khách tới thăm.

Đứng trước vấn đề này, các bạn có suy nghĩ như thế nào? Hãy chia sẻ nó với cả lớp nhé!

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

Viết bài văn trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày – Mẫu 4

Các nghề thủ công truyền thống là một thành tố cơ bản của văn hóa dân gian nên cũng góp phần vào việc hình thành và phát triển các giá trị văn hóa nơi cộng đồng làng xã. Sản phẩm thủ công không chỉ thể hiện sự khéo léo ở kỹ thuật mà còn có yếu tố nghệ thuật. Chính điều này làm nên chất nghệ sĩ của người thợ thủ công và tính văn hóa cao của các nghề thủ công.

Tính văn hóa đó trước hết thể hiện ngay chính trong tổ chức xóm nghề, giữa các thợ thủ công với nhau và với nghề. Tính tổ chức đó cao hơn hẳn so với nghề nông. Từ sự phân công tự giác và rạch ròi giữa thợ cái/ thợ cả với thợ phụ ngay trong một lò/ xưởng đến việc liên kết giữa các nhóm thợ chuyên các sản phẩm khác nhau, tạo nên một thiết chế xã hội nghề nghiệp tương tự như các thiết chế xã hội khác. Trong thiết chế xã hội này, giữa các thành viên có chất kết dính hết sức mạnh mẽ là lòng yêu nghề và sự tri ân các thế hệ đã có công tạo dựng và phát triển các nghề thủ công mà biểu hiện rõ nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề. Mỗi dịp cúng tổ là một lần củng cố thiết chế xã hội của các người thợ, giúp họ có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối việc làm ăn và thêm gắn bó với nhau. Trong hầu hết các đình thần của mỗi xóm ấp ở Nam bộ đều có bàn thờ Tiên sư, chính là đối tượng tôn thờ của tín ngưỡng thờ tổ nghề.

Ngoài ra, các nghề thủ công còn góp phần xây dựng tiện nghi và bộ mặt thẩm mỹ cho đời sống người dân. Các sản phẩm do họ tạo tác nên không chỉ mang tính thực dụng mà còn có giá trị thẩm mỹ độc đáo, là nơi họ gửi gắm những ước vọng bay bổng của tâm hồn. Do vậy, ngoài công năng vốn có của nó, tự thân mỗi sản phẩm nghề thủ công còn là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện thế cách của con người trong ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội vốn còn nhiều mới mẻ ở vùng đất này.

Giá trị văn hóa của các nghề thủ công truyền thống còn thể hiện ở lối sống, phong tục của từng cộng đồng. Mỗi làng, do ảnh hưởng của nghề, có một lối sống, phong tục tập quán tương đối đặc biệt. Một đặc điểm trong lối sống của các nghề thủ công truyền thống là tính cộng đồng và tính nhân văn cao. Một sản phẩm thủ công được hoàn thành phải qua nhiều công đoạn, mọi người cùng có trách nhiệm. Công việc của người này có liên quan đến chất lượng công việc của người kia, vì thế luôn luôn có mối quan hệ ràng buộc giữa những người thợ với nhau, tạo nên một lối sống cộng đồng có trách nhiệm. Tính cộng đồng trong các nghề thủ công truyền thống thể hiện rất cao qua cách thức sản xuất. Mỗi thành viên trong làng không lao động đơn lẻ. Người này học hỏi người kia, kinh nghiệm được trao đổi cho nhau. Qua đó, tình làng nghĩa xóm ngày càng đậm đà. Mức độ cạnh tranh nghề nghiệp không mãnh liệt nên không tiêu diệt được tình làng nghĩa xóm, mà trái lại, họ phải thi đua sản xuất để giữ thị trường, đạt được số lượng cần thiết của phía đặt hàng.

Viết bài văn trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày – Mẫu 5

Các hoạt động sản xuất chủ yếu bằng tay với công cụ giản đơn, đã hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời tại Việt Nam. Ở Cần Thơ, các ngành nghề thủ công, quy mô sản xuất không lớn nhưng luôn gắn liền với đời sống kinh tế, sản xuất và sinh hoạt của người dân, phản ánh một phần tập quán và văn hóa địa phương.

Các nghề thủ công truyền thống ở Cần Thơ được hình thành và phát triển do nhu cầu nội tại trong quá trình lao động sản xuất và do người dân di cư từ miền Trung và miền Bắc đem vào.

Các nghề do nhu cầu nội tại hình thành khi những lưu dân đặt chân đến vùng đất này, ngoài việc làm nông nghiệp để có cái ăn, họ còn sản xuất những vật dụng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Mặt khác, khi các lưu dân từ miền Trung, miền Bắc vào Nam khai khẩn, trong hành trang văn hóa của họ, có những nghề thủ công truyền thống. Trong số các lưu dân, có nhiều người là thợ thủ công. Họ mang theo bên mình các kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của các nghề thủ công cổ truyền từ quê hương bản quán. Với vốn tay nghề sẵn có, và nhằm đáp ứng những nhu cầu rất lớn về vật dụng tại nơi ở mới, họ đã tận dụng những nguyên liệu tại chỗ, vừa tự mình hành nghề, vừa truyền nghề cho con cháu, cho người thân, hàng xóm- những ai thật sự tha thiết học nghề.

Ở Cần Thơ hiện nay, các nghề có nguồn gốc từ miền Trung, miền Bắc đã có mặt từ rất sớm và trở thành một thành tố của diện mạo văn hóa dân gian nơi đây, như: nghề đan lưới ở Thơm Rơm, nghề dệt chiếu ở Kinh E. Chính các yếu tố nội sinh và ngoại sinh này đã làm cho các nghề thủ công truyền thống ở Cần Thơ hình thành và phát triển.

Mặt khác, trình độ nông nghiệp phát triển của vùng đất Cần Thơ đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của các nghề thủ công truyền thống. Ngay từ rất sớm, lúa gạo đã được sản xuất dư thừa so với nhu cầu lương thực trong vùng. Lượng lúa gạo dư thừa trở thành hàng hóa bán ra các nơi khác. Nhịp độ phát triển nhanh chóng của nền nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy sự phân công lao động xã hội, và một bộ phận đi vào chuyên môn hóa.

Viết bài văn trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày – Mẫu 6

Nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta là di sản văn hóa quý báu, được hình thành, phát triển và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đây là nét văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào, góp phần tạo nên bức tranh đa màu, đa sắc của nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Với những giá trị hết sức đặc sắc, nhiều nghề thủ công truyền thống của đồng bào đã và đang tiếp tục được bảo tồn và phát huy trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, dưới tác động của những nhân tố khách quan và chủ quan, nhất là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nghề thủ công truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ ở cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc giá trị của nghề thủ công truyền thống, từ đó có những giải pháp khoa học, đồng bộ, góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trong điều kiện mới.

1. Thực trạng bảo tồn nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp nhằm phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, cần kể đến các Nghị định quan trọng như Nghị định 66/2006/NĐ-CP; Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định 98/2010/NĐ-CP với chủ trương duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Chương trình phát triển mỗi làng một nghề giai đoạn 2006 – 2015”, gắn với triển khai Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Theo đó, mỗi làng sẽ tự chọn và quyết định hình thành, phát triển một nghề với nhiều hộ và doanh nghiệp tham gia; mỗi xã quyết định phát triển ít nhất một làng nghề có sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Nhiều nghề thủ công truyền thống tiếp tục được bảo tồn và phát triển. Ở Bản Cát Cát (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) là bản lâu đời của người Mông, còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải và chế tác đồ trang sức. Qua những khung dệt, người Mông tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc, với các hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa, muông thú… Nơi đây còn có nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng đã có từ lâu đời và tạo ra những sản phẩm tinh xảo, gồm đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn… Các sản phẩm nghề thủ công của bản Cát Cát được khách du lịch yêu thích và thường mua về làm kỷ niệm. Không chỉ bản Cát Cát, mà nhiều nơi, nhiều dân tộc ở Lào Cai cũng có nghề thủ công truyền thống, như nghề đúc lưỡi cày ở xã vùng cao Bản Phố (huyện Bắc Hà), nghề làm hương truyền thống tại thôn Làng Kim (xã Quang Kim, huyện Bát Xát); nghề chạm khắc bạc truyền thống tại thôn Cốc Môi (xã Na Hối, huyện Bắc Hà), thôn Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum, huyện Bát Xát; nghề thêu may thổ cẩm ở các xã Tả Phìn, San Sả Hồ, Sa Pả (Sa Pa)… Đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang cũng có nhiều nghề thủ công truyền thống như: Nghề dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám (huyện Quản Bạ); làng nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc (huyện Quang Bình); nghề chế tác khèn Mông ở Hố Quang Phìn (huyện Đồng Văn); nghề rèn, đúc, nghề đan quẩy tấu ở huyện Mèo Vạc… các nghề thủ công truyền thống vẫn được đồng bào các dân tộc lưu giữ truyền từ đời này qua đời khác. Tương tự, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh khác trong vùng Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn… cũng có nhiều sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Trong đó, mỗi dân tộc ở mỗi một vùng đều có những sản phẩm thủ công truyền thống riêng, tập trung chủ yếu vào các nghề như gốm sứ, rèn đúc, chạm khắc kim loại, nghề mộc, dệt, thêu, nhuộm, đan lát… Ở Tây Nguyên, các nghề thủ công truyền thống của dân tộc ít người hiện nay vẫn còn đang tồn tại và gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân như nghề dệt vải thổ cẩm của người Ê Đê, nghề bánh tráng ở Buôn Đôn, nghề rèn, mây tre đan…

Nhiều làng nghề thủ công truyền thống hoạt động có hiệu quả thiết thực, nhất là các làng văn hóa du lịch sinh thái. Hiện nay, nước ta có 400 làng nghề thủ công truyền thống gồm 53 nhóm nghề làm ra khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó nhiều sản phẩm nghề có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Nhiều nơi đã bảo tồn, phát triển một số nghề thủ công truyền thống của dân tộc phục vụ khách tham quan du lịch. Các địa phương đã tổ chức Ngày Hội văn hoá các dân tộc, trưng bày triển lãm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các dân tộc, tổ chức liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc, một số nơi tổ chức thi dệt thổ cẩm, xuất bản một số ấn phẩm giới thiệu về nghề và sản phẩm truyền thống của các dân tộc… nhằm quảng bá rộng rãi các sản phẩm văn hóa tộc người, nhiều hàng thủ công đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước, được mọi người ưa chuộng.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống vẫn tồn tại những bất cập. Việc mở rộng quy mô sản xuất của nhiều nghề và làng nghề chưa chủ động được nguyên liệu. Nhiều làng nghề chậm đổi mới công nghệ, thiếu trang thiết bị hiện đại, chưa thường xuyên cải tiến mẫu mã, đã dẫn đến quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mẫu mã giản đơn nhưng giá thành sản phẩm lại cao, làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm. Việc đào tạo, trao truyền nghề thủ công truyền thống cho lớp trẻ đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao, việc đưa các nghề thủ công truyền thống vào truyền dạy trong nhà trường cũng chưa thật hợp lý, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Việc gắn nghề, làng nghề thủ công truyền thống với phát triển du lịch bước đầu thành công ở một số mô hình du lịch cộng đồng hay du lịch làng nghề trong những năm gần đây, trong khi đó nhiều làng nghề vẫn chưa “kết nối” được với du khách, chưa gắn với thị trường tiêu thụ. Ngay tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng thì nghề thủ công truyền thống ở đây vẫn mờ nhạt trong vai trò phục vụ du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề. Những tồn tại, hạn chế đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống. Thực tế là, một số nghề thủ công truyền thống đang dần bị mai một và mất đi bản sắc văn hóa truyền thống, một số nghề có nguy cơ bị biến mất.

2. Một số giải pháp bảo tồn nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển nếu khẳng định được giá trị độc đáo, riêng có của nó. Nhưng cũng đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức, nhất là sức ép về chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Vì vậy, để có thể đón bắt thời cơ, hóa giải thách thức mà cách mạng 4.0 mang đến, để bảo tồn và phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Rõ ràng, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 thì không thể bảo tồn nguyên vẹn tất cả các nghề thủ công truyền thống mà cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, nét độc đáo riêng của nghề thủ công cũng như các sản phẩm mà nó tạo ra. Tức là bảo tồn hồn cốt trong mỗi nghề thủ công truyền thống, bảo tồn có chọn lọc cùng với quá trình tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền về giá trị của các nghề truyền thống cũng như yêu cầu, đòi hỏi của cuộc cách mạng 4.0 đối với nghề và làng nghề truyền thống, trên cơ sở đó thay đổi nhận thức của đồng bào và các lực lượng có liên quan đến bảo tồn nghề truyền thống. Chú trọng tuyên truyền, nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, các sản phẩm độc đáo mang lại hiệu quả kinh tế cao để đồng bào học tập, làm theo, thúc đẩy đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nghề thủ công. Nâng cao nhận nhức về nghề thủ công truyền thống trong cộng đồng và các cấp quản lí; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng nhất là mạng internet; tăng cường quảng bá các sản phẩm nghề thủ công truyền thống trong các lễ hội văn hóa; hình thành các trung tâm tư vấn để nghiên cứu, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, tạo đầu ra cho các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cần nâng cao ý thức bảo tồn nghề của chủ thể văn hóa và những người làm công tác văn hóa. Đây là yếu tố rất quan trọng là ý thức đồng bào, chủ thể sáng tạo của các nghề và sản phẩm nghề. Do vậy, cần làm cho đồng bào hiểu, trân trọng và tự hào về giá trị các di sản văn hóa dân tộc bao gồm các sản phẩm và các nghề thủ công truyền thống, từ đó có ý thức giữ gìn, tôn vinh và chủ động bảo tồn. Cùng với đó, cũng cần nâng cao về trình độ, năng lực của những người quản lý, làm chuyên môn để đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc trong cuộc cách mạng 4.0.

Hai là, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực cho các làng nghề thủ công truyền thống.

Muốn nghề thủ công truyền thống tồn tại, phát triển trong cách mạng 4.0 phải giải quyết bài toán chất lượng nguồn nhân lực, phải có đội ngũ thợ lành nghề, dày dặn kinh nghiệm. Do đó, trước hết cần tập trung đào tạo lao động lành nghề, tạo ra những yếu tố nòng cốt, thúc đẩy sản xuất phát triển; đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy và học nghề thủ công truyền thống, chú trọng nâng cao chất lượng dạy nghề thủ công truyền thống ở các trường dân tộc nội trú và phát huy vai trò của giáo dục cộng đồng. Để đảm bảo nguồn nhân lực lâu dài cho các nghề và làng nghề, bên cạnh việc tiếp tục làm hồ sơ đề nghị các cấp công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; đẩy mạnh công tác công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cho những người giỏi nghề, đồng thời cần đảm bảo chế độ đãi ngộ thỏa đáng cũng như tăng kinh phí hoạt động cho các Hội nghệ nhân dân gian các cấp, nhất là cấp xã. Xã hội hóa nguồn kinh phí để tăng mức thù lao chi trả cho các nghệ nhân thực hiện nhiệm vụ trao truyền cho thế hệ sau như một số địa phương đang triển khai là cách làm cần được tham khảo.

Ba là, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các làng nghề thủ công truyền thống. Cần có chính sách hỗ trợ mở rộng diện tích vùng trồng nguyên liệu tập trung, đảm bảo được nguồn nguyên liệu tại chỗ để phục vụ sản xuất bền vững. Có chính sách đầu tư, hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữ các cơ quan, ban ngành có liên quan; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình làng văn hóa du lịch sinh thái, kết hợp bảo tồn nghề thủ công truyền thống với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, bảo đảm cho các làng nghề thủ công truyền thống phát triển một cách bền vững. Quy hoạch các nghề, làng nghề có tiềm năng phục vụ du lịch và cần bảo đảm các quy hoạch này được định hướng kết nối, tạo chuỗi thích hợp theo hướng kết hợp với du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, cần ưu tiên hơn cơ chế hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cải tiến công nghệ, quảng bá sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch.

Bốn là, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Hàng thủ công truyền thống muốn tìm được đầu ra phải đặc biệt tinh xảo, độc đáo, tinh tế trong từng nét hoa văn, từng đường chạm khắc… Mỗi sản phẩm phải mang hồn dân tộc. Bởi điều đó làm nên sự độc đáo riêng có và sức sống bền vững cho sản phẩm nghề truyền thống. Do đó, cần kết hợp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường truyền thống với chủ động tìm kiếm thị trường mới. Đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề về xây dựng thương hiệu, nhãn mác truy xuất nguồn gốc gắn với quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở tại địa phương cũng như trong và ngoài nước; tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư… Cần hỗ trợ các làng và người dân tự xây dựng website riêng của nghề, làng nghề nhằm tăng cường quảng bá, tiếp thị đối với những sản phẩm thủ công và phát triển du lịch văn hóa làng nghề. Liên kết với doanh nghiệp sẽ giúp người thợ thủ công có được những thông tin về nhu cầu thị trường, có kế hoạch sản xuất hiệu quả, sản phẩm được tiêu thụ ổn định. Có cơ chế khuyến khích sự sáng tạo của các nghệ nhân và đầu tư của các doanh nghiệp để tạo nên những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Với những nét độc đáo, đặc sắc riêng, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số tiếp tục có những cơ hội để vươn lên khẳng định giá trị của mình với một diện mạo mới, một sức sống mới. Tuy nhiên, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số đang đứng trước những bài toán hết sức nan giải, đòi hỏi sự vào cuộc, sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, nhất là sự nỗ lực của chính chủ thể văn hóa. Do đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để vừa bảo tồn, phát triển nghề thủ công truyền thống, vừa phát huy giá trị của nghề truyền thống trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc, vừa bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc trước những biến đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện đại.

*************

Trên đây là 6 bài mẫu viết bài văn trình bày ý kiến về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới để hoàn thiện tốt bài tập làm văn của mình thêm sinh động, cuốn hút nhất.

 

 Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/viet-bai-van-trinh-bay-y-kien-ve-viec-su-dung-cac-san-pham-thu-cong-truyen-thong-trong-doi-song-sinh-hoat-hang-ngay/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp